Cải tiến tốc độ cho tính giá xuất kho theo phương pháp Bình quân tức thời
Mục đích
Kể từ MISA SME.NET 2017 R8, chương trình cải tiến để tăng tốc độ khi tính giá xuất kho cho các VTHH theo PP bình quân tức thời.
Chi tiết thay đổi
1. Tăng tốc độ khi tính giá xuất kho cho các VTHH theo PP bình quân tức thời
Tăng tốc độ tính giá lên 5-6 lần so với trước đây, khi thực hiện chức năng tính giá xuất kho trên phân hệ Kho
=> Ví dụ: Trên máy tính có hệ điều hành Win 7; bộ xử lý (CPU) Core i3; bộ nhớ trong (RAM) 8GB; hệ quản trị dữ liệu SQL 2008 R2; đối với dữ liệu có dung lượng khoảng 6,5 GB (3858 vật tư; phát sinh 5480 chứng từ nhập, xuất mỗi tháng; phát sinh 65761 chứng từ nhập, xuất mỗi năm)
Trước khi cải tiến: Thời gian thực hiện tính giá cả năm mất khoảng 2 giờ 30 phút. Sau khi cải tiến: Thời gian tính giá cả năm sẽ mất khoảng 20 phút.
2. Khi thực hiện tính giá sẽ chỉ ra được các chứng từ thay đổi so với lần tính giá trước có khả năng ảnh hưởng đến giá xuất kho cần phải thực hiện tính lại giá để đảm bảo đúng đắn
Khi thực hiện tính lại giá xuất kho, chương trình sẽ chỉ ra các chứng từ nhập/xuất kho có phát sinh thay đổi so với lần thực hiện tính giá xuất kho trước đó.
=> Ví dụ: Trong tháng 1, sau khi hạch toán các chứng từ phát sinh kế toán có quay lại sửa/xóa/ghi sổ/bỏ ghi chứng từ nhập, xuất hoặc chèn thêm chứng từ nhập/xuất vào giữa. Nếu người dùng không thực hiện tính lại giá xuất kho của tháng 1 mà thực hiện luôn việc tính giá cho tháng 2, thì chương trình sẽ cảnh báo để người dùng biết đã có chứng từ nhập/xuất thay đổi từ tháng 1 ảnh hưởng đến giá xuất kho (có liệt kê chi tiết để kiểm tra lại). Đồng thời, cho phép lựa chọn lại thời gian tính giá xuất kho: Tính giá theo đúng thời gian đã chọn trước đó hay tính lại giá từ ngày có thay đổi đến ngày kết thúc kỳ đã chọn trước đó.
Thực hiện nhấn vào link “tại đây” để xem chi tiết danh sách các chứng từ thay đổi.
Lưu ý: Trường hợp thay đổi chứng từ nhập xuất của tháng trước thì phải tính lại giá cho các tháng sau để đảm bảo tính đúng đắn của giá xuất cho các tháng sau. Ví dụ:
Tháng 1: Nhập Bút, SL 5, đơn giá 10.000 VND, giá trị 50.000 VND. Xuất tháng 1 SL 1, đơn giá 10.000 VND, giá trị 10.000 VND
Tháng 2: Xuất SL 2, đơn giá 10.000 VND, giá trị 20.000 VND. Nhập thêm Bút SL 3, đơn giá 11.000 VND
Tháng 3: Xuất SL là 2, đơn giá= (5*10.000-1*10.000 -2*10.000+3*11.000)/(5-1-2+3)= 10.600 VND
Sau đó sửa lại Đơn giá trên chứng từ Nhập kho tháng 1 là 15.000 VND
=> Để đảm bảo giá xuất cho tháng 1, tháng 2, tháng 3 đúng thì phải tính giá lại từ tháng 1 đến tháng 3
3. Thay đổi cách tính giá cho các chứng từ nhập kho lắp ráp trong trường hợp lắp ráp nhiều vòng để tăng tốc độ tính giá
Trước khi cải tiến, khi phát sinh lắp ráp nhiều vòng (Ví dụ: Server được lắp ráp từ 2 máy tính; máy tính lại được lắp ráp từ Case, bàn phím, RAM….), qua bao nhiêu vòng lắp ráp sẽ phải thực hiện tính giá bấy nhiêu lần thì mới đảm bảo đơn giá của chứng từ lắp ráp cuối cùng đúng. Còn với trường hợp chứng từ xuất kho linh kiện và chứng từ lắp ráp thành phẩm phát sinh vào 2 tháng khác nhau, chỉ cần tính lại giá xuất kho của tháng lập chứng từ xuất kho linh kiện lắp ráp, chương trình sẽ tự động cập nhật lại đơn giá nhập kho thành phẩm lắp ráp.
Sau khi cải tiến, với trường hợp lắp ráp nhiều vòng, nếu có thay đổi giá thì chỉ phải tính lại giá xuất kho 1 lần. Còn với trường hợp chứng từ xuất kho linh kiện và chứng từ lắp ráp thành phẩm phát sinh vào 2 tháng khác nhau thì phải tính lại giá cho cả 2 tháng này
=> Ví dụ: Chứng từ xuất kho linh kiện để lắp ráp phát sinh trong tháng 1, nhưng chứng từ nhập kho thành phẩm lắp ráp lại phát sinh trong tháng 2.
Khi đó:
Nếu tính lại giá xuất kho tháng 1, chương trình sẽ tự động tính lại giá cho chứng từ xuất kho linh kiện đi lắp ráp trong tháng 1. Tuy nhiên, chương trình chưa cập nhật lại giá xuất của chứng từ xuất kho linh kiện tháng 1 vào chứng từ nhập kho thành phẩm lắp ráp tháng 2.
Khi thực hiện tính lại giá xuất kho tháng 2, chương trình sẽ cập nhật giá nhập cho cho chứng từ nhập kho thành phẩm lắp ráp tháng 2 theo giá xuất của các chứng từ xuất kho linh kiện lắp ráp tháng 1.
4. Thay đổi cách tính giá trong một số trường hợp của phiên bản R8 so với các phiên bản trước
4.1. Thay đổi cách tính giá cho vật tư hàng hoá có nhiều đơn vị tính.
Trước khi cải tiến, với các VTHH có nhiều đơn vị tính chương trình sẽ tính Giá vốn = Số lượng theo ĐVT chính x Đơn giá theo ĐVT chính. => Theo cách tính này nếu tỷ lệ chuyển đổi của VTHH trên chứng từ quá lớn sẽ khiến cho ĐVT chính = 0, từ đó khiến Giá vốn = 0.
Sau khi cải tiến, với các VTHH có nhiều đơn vị tính chương trình sẽ tính Giá vốn = Số lượng x Đơn giá vốn.
Lưu ý: Với các dữ liệu cũ chuyển đổi lên, khi thực hiện tính lại giá, Thành tiền của các VTHH có nhiều đơn vị tính sẽ bị thay đổi.
4.2. Thay đổi cách tính giá trong trường hợp đổi tính giá từ theo kho sang không theo kho (hoặc ngược lại)
Trước khi cải tiến, nếu đổi tùy chọn tính giá từ theo kho sang không theo kho (hoặc ngược lại), thì giá của chứng từ xuất đầu tiên sẽ được tính như sau:
Nếu trước đó có phát sinh chứng từ nhập kho, thì Đơn giá xuất = Giá trị tồn/Số lượng tồn
Nếu trước đó không phát sinh chứng từ nhập kho, thì Đơn giá xuất = Đơn giá của chứng từ xuất phát sinh liền kề trước đó
Sau khi cải tiến, nếu đổi tùy chọn tính giá từ theo kho sang không theo kho (hoặc ngược lại), thì giá của chứng từ xuất đầu tiên sau khi đổi sẽ được tính như sau:
Nếu trước đó có phát sinh chứng từ nhập kho, thì giữ nguyên theo cách tính cũ
Nếu trước đó không phát sinh chứng từ nhập kho, thì Đơn giá xuất = Giá trị tồn/Số lượng tồn
4.3. Thay đổi cách tính giá trong trường hợp xuất quá số lượng tồn
Trước khi cải tiến, nếu VTHH có số lượng tồn <0 và giá trị tồn>0, thì đơn giá trên chứng từ xuất = 0.
Sau khi cải tiến, nếu VTHH có số lượng tồn <0 và giá trị tồn >0, thì đơn giá trên chứng từ xuất = Giá trị tồn/ Số lượng trên chứng từ xuất.
=> Ví dụ: Tại ngày 31/01/2017, vật tư Máy in có số lượng tồn là -5, giá trị tồn là 3.000.000. Trong ngày, thực hiện xuất 3 Máy in:
Trước khi cải tiến, giá xuất sẽ = 0
Sau khi cải tiến, giá xuất = 3.000.000/3 = 1.000.000